CNTT là "trợ thủ đắc lực" của ngành giáo dục

Thứ năm - 22/10/2015 13:39
Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục đang được triển khai rộng rãi ở mọi loại hình cơ sở đào tạo. Thậm chí, thiết bị CNTT đã trở thành vật "bất ly thân" của rất nhiều thày cô giáo và học sinh.
Máy tính, mạng Internet đã hiện diện phổ biến ở hầu hết các trường học (Phòng học tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh Điện Biên)
Máy tính, mạng Internet đã hiện diện phổ biến ở hầu hết các trường học (Phòng học tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh Điện Biên)

Máy tính trở thành bảng phụ hỗ trợ giảng dạy

Tăng cường trang bị thiết bị dạy học hiện đại như phần mềm dạy học, máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... để nâng cao chất lượng dạy, học đã và đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các trường học, cơ sở đào tạo.

Hầu hết các môn học đều có thể ứng dụng CNTT để tăng độ hấp dẫn của các bài giảng, khiến học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Như với môn Hóa học, thông qua phần mềm thiết kế các mô hình phản ứng hóa học, học sinh có thể nhớ nhanh hơn và lâu hơn các kiến thức mà thày cô muốn truyền thụ. Hoặc ở ngành sư phạm ngữ văn có môn Nghệ thuật chèo, nhưng không phải giáo viên nào cũng biết hát chèo, giờ chỉ cần vào YouTube, mở clip để người học trải nghiệm, vừa nhanh chóng vừa hiệu quả.

Với xu thế phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT, giáo viên không thể duy trì cách dạy học truyền thống. Thông qua nhiều phương thức học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giờ đây, phần lớn giáo viên đều đã biết cách sử dụng Power Point để làm giáo án điện tử, trao đổi nghiệp vụ qua email hoặc tham gia các diễn đàn giáo dục nội bộ hoặc của Bộ Giáo dục & Đào tạo, thậm chí còn biết cách soạn bài giảng trên smartphone, nhắc thời khóa biểu giảng dạy trên Google...

Trao đổi với phóng viên BĐVN, cô Trần Thị Mỹ Dung, giáo viên trường THCS Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết các giáo viên trong trường đều sử dụng máy tính, Internet hàng ngày để soạn giáo án, tìm hiểu nguồn tư liệu hỗ trợ giảng dạy. Nhà trường đã phủ sóng Wifi, các phòng học đều được trang bị máy chiếu nên hầu hết các bài giảng đều được các thày cô giáo thiết kế trên Power Point để dễ thu hút, lôi cuốn học sinh. Ngoại trừ môn Thể dục, Âm nhạc, còn các môn học khác đều có ứng dụng CNTT-TT vào quá trình dạy và học. Dù trường không có quy định bắt buộc phải sử dụng máy tính, Internet song giáo viên nào cũng cảm thấy rất cần thiết phải dùng. Với vai trò bảng phụ hỗ trợ giảng dạy, máy tính đã trở thành vật “bất ly thân” của giáo viên.

CNTT là người bạn đồng hành của học sinh...

CNTT không chỉ là trợ thủ đắc lực cho các giáo viên mà còn là người bạn đồng hành thân thiết của các học sinh trong xã hội học tập, kỷ nguyên tri thức số. Chia sẻ về điều này, em Nguyễn Minh Hiền, học sinh lớp 11A5, trường PTTH Quang Trung (Hà Nội) khẳng định máy tính, Internet đã hỗ trợ rất tốt cho việc học tập, giúp em tìm được nhiều tư liệu tham khảo hay để làm tốt các bài kiểm tra, bài thi. Đặc biệt, với môn tiếng Anh, không phải lúc nào cô giáo cũng ở bên cạnh để hỏi, và những lúc như vậy thì cách tốt nhất là mở máy tính, lên mạng Internet để tra cứu.

“Ở lớp em hầu như không ai không biết dùng máy tính, mạng Internet để giải trí, học tập, trao đổi bài với nhau. Hiện mới chỉ có một số ít thầy cô giáo lập Facebook nên chúng em chưa thể trao đổi, nhờ các thày cô hỗ trợ qua mạng được. Dù cũng hơi ngại về việc có thể bị giám sát song em vẫn mong các thầy cô sớm lập Facebook để có thể giúp đỡ học sinh nhiều hơn”, Hiền tâm sự.

...và là "trợ lý không lương" của quản lý giáo dục

Bên cạnh khả năng nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập, CNTT còn ngày càng thể hiện rõ vai trò “trợ lý không lương mà hiệu quả cao” đối với hoạt động quản lý giáo dục.

Đơn cử, trường THCS Phan Châu Trinh (huyện Núi Thành, Đồng Nai) đã quản lý nhân sự theo phần mềm Emis, triển khai sổ điện tử, đưa điểm của học sinh lên mạng để phụ huynh học sinh có thể theo dõi thường xuyên học lực và hạnh kiểm của con em mình.

“Đón đầu” các công nghệ hiện đại, một số trường đã triển khai hệ thống xử lý gửi tin nhắn đến điện thoại di động cho các bậc phụ huynh để báo cáo kết quả học tập của học sinh; ứng dụng CNTT vào quản lý hồ sơ sinh viên, tổ chức thi trực tuyến, theo dõi thời khóa biểu, báo điểm,…

Với việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, lãnh đạo các trường học, cơ sở đào tạo đã giảm bớt “gánh nặng”, có thêm nhiều thời gian hơn để đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục và đào tạo.

Nguồn tin: ICTNews


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chuyển đổi số Điện Biên
Violympic Toán
Violympic Tiếng Anh - goIOE - Hấp dẫn - mê say - thấy ngay kết quả
Du Lịch điện biên
Liên kết
Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,211
  • Tháng hiện tại17,455
  • Tổng lượt truy cập8,090,482
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây