Tuy nhiên, khi làm nương rẫy thì hoàn toàn chỉ mong mỏi ở nước trời... Không ít dân tộc đã có lễ hội cầu mưa để mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Đặc biệt, ở quốc gia Lào còn có hẳn một cái tết “bủn huột nặm”, mà tại nơi đó nước được coi là phúc lộc của đất trời, thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống của con người.Thời xưa, diện tích rừng rậm còn nhiều, sông suối tràn trề nước ngọt. Vậy nhưng gặp phải năm trời làm hạn hán lâu ngày, lúa nương lúa rẫy có nguy cơ bị thất bát, người Thái cũng không tổ chức làm lễ cầu mưa như một số dân tộc khác, mà họ làm việc đó thông qua hoạt động “xin nước trời” của trẻ con trong bản.
Vào tầm quá trưa xế sang chiều trong một ngày nắng nóng (như nhiều ngày trước đó), trẻ con trong bản gọi nhau lại thành từng nhóm khoảng từ ba đến bảy đứa. Trong lúc các bậc cha chú đang tranh thủ thời gian buổi trưa để đan thêm mắt lưới, cạp lại vành nong; các chị các bà đang thêu khăn thêu váy hoặc lách cách dệt cửi thì đám trẻ con rủ nhau tụ tập ở phía dưới đầu sàn, bên cạnh bậc kê thang và máng giã gạo- rồi cùng nhau đồng thanh hát bài “xin nước trời” theo một điệu phổ thông, đơn giản, mang nội dung sau:
“Chau hướn hởi chau hướn/ Tủ lản xỏ nặm phổn xờ ca/ Tủ lản xỏ nặm phạ xờ ná/ Xờ ná xờ tảng ca/ Khau dù tồng tải khỏi/ Hỏi dù ná tải lạnh/ Panh dù hinh dù xà hổm quắn/ Hổm quắn bo tò đẹt may/ Cốp khiệt hay hả phổn bo phổn/ Phổn lống tò mịt bia/ Nhia xạo xạo lống xờ néo đỉn néo xái.../ Bo hơ lản bo mía/ Lản má tăng hướn phía lản dù/ Lản má tăng hướn hạn dù đải...” (Chủ nhà hỡi, chủ nhà ơi/ Chúng cháu xin nước mưa tưới ruộng/ Chúng cháu xin nước trời tưới mạ/ Lúa mọc ngoài đồng đã chết khô/ Cua ốc dưới ruộng sâu chết khát/ Như bánh men trên gác bếp lâu ngày/ Chịu khói hun chẳng tày chịu nắng/ Ếch nhái khóc than van sao trời không cho mưa tuôn xuống/ Hãy tuôn những hạt mưa to xuống ào ào/ Cho nước mưa ngấm vào từng mạch đất mạch cát.../ Không cho mưa thì chúng cháu chẳng về/ Cháu dựng chòi ở lại nơi đây/ Chấu dựng nhà sàn ở lại đây luôn...).
Lúc đó người chủ nhà sẽ đi vào gian trong, đến bên cái máng đặt các ống nước “tau nặm” hoặc “chờ học”, lấy ống nước ra đầu sàn rồi đổ té nước xuống. Bởi trời nóng nực nên càng bị té nhiều nước đám trẻ càng vui thích. Chúng reo hò ầm ĩ và hát thêm mấy lượt nữa rồi cùng nhau chuyển đến hát ở nhà khác, có khi đến tận chiều tối.
Xã hội người Thái rất yêu quý và ưu ái trẻ em. Xuất phát từ tình cảm đó mà người Thái tin rằng, “ông trời” cũng có được tình cảm yêu thương ấy. Thế nên họ cho rằng, lời hát “xin nước trời” của trẻ em dễ làm lay động “lòng trời” hơn cả các lời tế và lễ vật khác. Rồi trời sẽ lại mưa xuống, làm cho muôn vật tươi mới, trẻ trung. Đất trời và con người lại cùng có chung một chặng khởi đầu mạnh mẽ...