Thao giảng, dự giờ là một việc làm hết sức quan trọng đối với mỗi giáo viên.Thông qua việc thao giảng, dự giờ giúp giáo viên từng bước trưởng thành trong công tác chuyên môn. Thao giảng, dự giờ sẽ giúp cho giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Vì khi đến lịch thao giảng, dự giờ hầu hết giáo viên đều có tinh thần chuẩn bị bài thật kỹ cả về kiến thức chuyên môn lẫn thực tiễn, tìm hiểu, trao đổi với đồng nghiệp nhiều hơn để có một buổi dạy đạt kết quả cao nhất. Qua thao giảng, dự giờ giáo viên tự đánh giá khả năng, năng lực chuyên môn của mình, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng giáo viên, nhận biết những ưu điểm và hạn chế của mình từ đó nâng cao nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện nhân cách, tinh thần trách nhiệm để có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Thao giảng, dự giờ giúp cho giáo viên học tập những cái hay, rút kinh nghiệm những thiếu sót của đồng nghiệp về phong cách, phương pháp sư phạm và cách ứng xử các tình huống xảy ra trong quá trình lên lớp để áp dụng vào quá trình giảng dạy của mình. Thao giảng, dự giờ cũng là hình thức giúp học sinh chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, xây dựng và tiếp thu bài hiệu quả. Khi có giáo viên thao giảng, dự giờ học sinh có ý thức học tập tốt hơn, nghiêm túc hơn, những câu hỏi do giáo viên đưa ra được học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Điều này giúp học sinh đào sâu kiến thức, làm rõ nội dung bài học, đồng thời có thể gắn kết lý luận với các tình huống thực tiễn tại địa phương mình công tác.
Trong công tác thao giảng tổ chuyên môn đã tăng cường quản lý, định hướng tổ chức dự giờ, thao giảng coi đây là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giờ dạy … Tổ chức thao giảng phải có ít nhất 2/3 thành viên của tổ, nhóm tham dự, phải có mục tiêu, rút ra được những kinh nghiệm. Dự giờ rồi đánh giá, rút kinh nghiệm giờ dạy là việc làm thường xuyên của tổ chuyên môn, nếu được tổ chức tốt sẽ xóa bỏ được tình trạng còn có giáo viên chưa tự giác, tích cực dự giờ đồng nghiệp hoặc tâm lí cho rằng đi dự giờ là kiểm tra tiết dạy của giáo viên. Cần tránh dự giờ để đối phó nhằm đạt chỉ tiêu số lượng theo quy định. Nên tăng cường các tiết dạy mẫu và quan tâm dự giờ các tiết ôn tập, trả bài cho học sinh.
Khi đánh giá, rút kinh nghiệm các tiết dạy đã thẳng thắn, chân tình với tinh thần giúp nhau cùng tiến bộ, phải đánh giá thực chất, nêu ra được những điểm mạnh, những hạn chế của người dạy về kiến thức, kỹ năng, thái độ, về nội dung, phương pháp, phong cách. Cần phê phán lối dạy đọc chép, dạy chay trong khi có và cần sử dụng đồ dùng dạy học. Đối với những tiết học mà giáo viên gặp nhiều khó khăn thì cần trao đổi kỹ, có thể tổ chức cho một giáo viên có kinh nghiệm trong nhóm dạy mẫu tiết đó để cùng nhau học hỏi. Các giờ được dự cần được xếp loại và lưu lại ý kiến cũng như kết quả xết loại; đối với tiết dạy được thanh tra hoặc dùng để xếp loại giáo viên cần lưu cả phiếu đánh giá giờ dạy.