Phương pháp thuyết trình lấy công nghệ dạy học gắn với quan điểm: “Lấy người dạy làm trung tâm” không còn phù hợp với phương pháp dạy học mới ngày nay mà phải là phương pháp dạy học “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Để làm được điều đó, yêu cầu tất yếu mà người học mong muốn là học theo “phương pháp học tích cực” hay còn gọi là “học qua hành”.
Phương pháp “học qua hành” tập trung vào việc khuyến khích và động viên người học tự giác tìm kiếm, học bằng cách đọc, tự mình tổ chức và xử lý thông tin thay vì lệ thuộc vào bài giảng của người thầy. Người học phải có ý thức, thái độ “tích cực” cho việc học của họ, đọc tài liệu trước khi lên lớp và tập trung vào các hoạt động như trao đổi, tranh luận, phân tích và ứng dụng thực tế ngay trên lớp nhằm tích lũy thêm tri thức, đó là kỹ năng cần thiết để nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề.
Sử dụng phương pháp học tập tích cực, người dạy đóng vai trò là “người hướng dẫn” giúp người học thu được kết luận đúng thông qua sự chỉ dẫn, khuyến khích cũng như thách thức họ đạt được mục đích học tập. Trực tiếp ứng dụng những kiến thức học được trong nhà trường vào thực tế sẽ giúp cho người học tiếp thu tài liệu tốt hơn và dần dần hình thành, phát triển thái độ, ý thức học tập cả đời.
Một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học:
1. Cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống.
2. Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học.
3. Vận dụng dạy học giải quyết vấn đề.
4. Vận dụng dạy học theo tình huống.
5. Vận dụng dạy học định hướng hành động.
6. Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học.
7. Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo.
Một số kĩ thuật dạy học tích cực:
Kĩ thuật "Các mảnh ghép".
Kĩ thuật "Khăn trải bàn".
Kĩ thuật "Động não".
Kĩ thuật "Ổ bi".
Kĩ thuật "Bể cá".
Kĩ thuật "Tia chớp".
Kĩ thuật "XYZ".
Kĩ thuật "Lược đồ tư duy".
Kĩ thuật "Chia sẻ nhóm đôi".
Kĩ thuật Kipling.
Kĩ thuật KWL.
Kỹ thuật đặt câu hỏi.
Kỹ thuật chia nhóm.
Kỹ thuật đóng vai.
Thực hiện theo nghị quyết của Bộ giáo dục đào tạo về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, các thầy cô giáo trường PTDTNT THPT Huyện Mường Ảng đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực trong các tiết dạy trên lớp cũng như trong các tiết thao giảng, các tiết thi giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2018-2019.
Các thầy cô đã sử dụng kĩ thuật chia nhóm trong các tiết dạy. Khi đó học sinh được thể hiện vai trò của mình trong nhóm, hăng say học tập.
Cô giáo Trương Thị Hương môn Toán học đã mạnh dạn áp dụng kĩ thuật “Các mảnh ghép” trong tiết dạy của mình. Các em học sinh được chọn làm các chuyên gia Toán học thực hiện nhiệm vụ giáo viên giao. Sau đó các chuyên gia này có nhiệm vụ hướng dẫn, trao đổi với các bạn trong nhóm để giải quyết vấn đề. Vì vậy tiết học không còn nhàm chán bởi các công thức Toán học mà trở nên sôi nổi, sinh động, tạo hứng thú phấn khởi cho cả người dạy và người học.
Ngoài ra sau mỗi tiết học các thầy cô củng cố bài học cho học sinh bằng những trò chơi gắn liền với thực tế. Trò chơi “Tazan giải cứu rừng xanh”, trò chơi “Tiếp sức”, trò chơi “Ô chữ”, trò chơi “ Ai nhanh tay hơn”… Vì thế mà tiết học mang lại nhiều kiến thức bổ ích và tiếng cười.
Nguồn tinh - Đỗ Ánh - Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng