SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI TẠI TRƯỜNG PTDTNT THPT HUYỆN MƯỜNG ẢNG

Thứ tư - 22/02/2023 20:38
Sân khấu hoá tác phẩm văn học là một chương trình sáng tạo về phương pháp học văn trên ghế nhà trường. Có rất nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước đã được đưa lên sân khấu một cách linh hoạt, sinh động, mới mẻ.
Sự xuống dốc của văn hoá đọc đang là một nguy cơ toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong nhà trường, học sinh học văn nhưng không đọc tác phẩm văn học, chỉ học thuộc bài giảng của thầy cốt để thi đỗ. Cách học ấy khiến văn bản biến mất, học sinh biến mất, mục tiêu lớn của giáo dục là đào tạo con người cũng biến mất. Phương pháp TRẢ TÁC PHẨM CHO HỌC SINH thực chất là hành trình ngược dòng tìm lại cái đã mất. SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC làm được điều ấy một cách tích cực nhất. Học sinh sẽ học văn một cách đọc chủ động, tích cực và sáng tạo. Với cách học này, học sinh không chỉ thâm nhập vào tác phẩm mà còn sống cùng tác phẩm, thậm chí trở thành tác phẩm bằng toàn bộ con người mình (con người lí trí và cảm xúc) từ đó phá vỡ sự ngăn cách giữa học sinh  - tác phẩm - nhà văn. Học sinh chính thức trở thành đồng tác giả của nhà văn.
Sân khấu là một loại hình nghệ thuật nghe nhìn đa dạng có nhiều loại hình nghệ thuật khác bổ trợ, diễn xuất, âm thanh, ánh sáng, hội hoạ... Khác với sự tiếp cận kịch bản văn học là người ta chỉ tư duy bằng việc đọc, còn sân khấu thì phải vận dụng cả thị giác và thính giác. Các em học sinh tuy chưa có kĩ năng diễn xuất, nhưng lại ở lứa tuổi rất hồn nhiên, giàu cảm xúc và giàu khả năng sáng tạo. Tạo cho các em một sân chơi để khám phá tác phẩm chính là tạo cho em một môi trường thuận lợi để có được cái nhìn đa diện đối với tác phẩm.
Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của học sinh, Chương trình giáo dục phổ thông mới  đã chính thức đưa “Sân khấu hóa tác phẩm” vào chương trình  học của ban KHXH (ở Chuyên đề 2 - Ngữ văn 10) với thời lượng 10 tiết học.
Anh 1
Chuyên đề 2:  Sân khấu hóa tác phẩm văn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thông qua hình thức trình diễn, các tác phẩm văn học trở nên sống động và hấp dẫn hơn so với những giờ giảng trên lớp. Các em học sinh được dành thời gian nghiên cứu về đặc điểm, tính cách nhân vật, từ đó “nhập vai” sao cho sát nhất với nội dung của tác phẩm văn học. Đây là một hình thức mới trong thực hiện định hướng dạy học phát triển năng lực của học sinh. Thông qua hình thức sân khấu hóa đã đưa những tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học đến gần hơn với các em học sinh; giúp các em có thể đồng sáng tạo với nhà văn và tạo ra sân chơi khoa học, nghệ thuật bổ ích. Những giờ học văn trở nên thú vị, hấp dẫn và sôi nổi hơn bao giờ hết.
Anh2
Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng hào hứng lập nhóm cùng nhau dựng kịch bản

Thay vì cho học sinh đọc tác phẩm ngữ văn, thảo luận, trao đổi... thì các thầy cô giáo tạo điều kiện cho học sinh được học tập theo từng nhóm, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để “hóa thân” vào nhân vật trong các tác phẩm. Phương pháp này giúp học sinh chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm để cảm nhận về các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm sau đó tái hiện trên sân khấu lớp học. Ngoài ra học sinh còn được tự mình sáng tạo trong cách diễn xuất làm sao để diễn tả được sâu sắc tính cách, nội tâm của nhân vật mình đóng vai. Với những học sinh không tham gia diễn xuất cũng cần đọc văn bản thật kĩ và cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật được tái hiện trên sân khấu lớp học và đưa ra nhận xét của mình. Từ đó, các tiết học theo hình thức sân khấu đã thực sự tạo được hứng thú cho đại đa số học sinh để các em học tập có hiệu quả. Phương pháp học này cũng góp phần xây dựng ở các bạn học sinh thói quen đọc sách đề hiểu tác phẩm nhiều hơn.
Anh 3
Kịch bản do chính các em học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng viết.

Việc đưa tác phẩm văn học lên sân khấu đã được sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động. Sân khấu hóa các tác phẩm là một cách học hay, lôi cuốn người học. Bởi khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học, học sinh được tự phân tích, đánh giá, suy nghĩ về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng. 
Sân khấu vừa là sàn diễn, vừa là lớp học, là nơi các em được nghiêng ngả cùng tiếng trống chèo Quan Âm Thị Kính, được bốc cháy cùng ngọn lửa oan nghiệt và cũng là ngọn lửa minh oan trong đoạn trích Rama buộc tội, được nức nở cùng tiếng khóc xuyên qua bao thế kỉ của nàng công chúa Mỵ Châu xinh đẹp nhưng “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” (Tố Hữu), được háo hức cùng tráng sĩ Đăm Săn chặt cây, chém núi để đi bắt Nữ thần Mặt trời về làm vợ, được hào sảng cùng Bình Ngô đại cáo bất hủ, được quặn đau cùng số phận của anh nông dân bất hạnh Chí Phèo, được xót xa cùng những mối tình ngang trái trong những vần thơ chân quê Nguyễn Bính... Vượt lên trên những vụng dại về diễn xuất của các diễn viên không chuyên, những thiếu thốn về đạo cụ, trang phục là một niềm đam mê bất tận của sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo.
Anh 4
Một cảnh trong vở diễn của học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng.
Tuy nhiên, quá trình nhập vai vào nhân vật, các em học sinh cũng gặp không ít khó khăn, đôi khi còn có sự mâu thuẫn giữa tính cách của học sinh với tính cách của nhân vật; điều này thường làm cho các em không hiểu hết được đặc điểm của nhân vật. Khi đó, học sinh sẽ trao đổi, thảo luận với giáo viên. Quá trình này cũng giúp các em hiểu rõ hơn về nhân vật của mình tái hiện, đây cũng là một lần khắc sâu kiến thức rất hiệu quả. Cùng với đó, phương pháp “sân khấu hóa tác phẩm văn học” cũng làm tăng tính đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Các em biết tự phân công nhiệm vụ, có trách nhiệm với mỗi phần việc được giao; từ đó hình thành thói quen làm việc theo nhóm.
anh 5
Không khí hào hứng của các em học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng sau vở diễn trong tiết chuyên đề Sân khấu hóa tác phẩm văn học.
Phát huy được tính sáng tạo và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, Chuyên đề “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” tại Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng đã và đang thu được những kết quả tích cực. Nếu được nghiên cứu, nhân rộng, đây sẽ là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Đồng thời góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng các em học sinh đến những giá trị chân -  thiện - mỹ.

Nguồn tin: Tổ KHXH


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Chuyển đổi số Điện Biên
Violympic Toán
Violympic Tiếng Anh - goIOE - Hấp dẫn - mê say - thấy ngay kết quả
Du Lịch điện biên
Liên kết
Thống kê
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay1,202
  • Tháng hiện tại25,825
  • Tổng lượt truy cập8,152,293
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây